Hội Đông y Việt Nam: Cần sớm sửa đổi, tháo gỡ vướng mắc
trong cấp Giấy chứng nhận lương y
Nhiều hội viên Hội Đông y Việt Nam học xong lớp lương y chuyên sâu tại Trung ương Hội Đông y Việt Nam và lương y đa khoa tại Hội Đông y các tỉnh, thành phố từ 30/6/2004 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận lương y do gặp phải trở ngại, vướng mắc tại Thông tư số 29/2015/TT-BYT ngày 12/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cấp, cấp lại Giấy chứng nhận là lương y. Và đến nay là Thông tư số 02/2024/TT-BYT ngày 12/3/2024 (sửa đổi bổ sung).
Cụ thể, đối tượng được cấp Giấy chứng nhận lương y trong thông tư nêu rõ, người đề nghị cấp Giấy chứng nhận lương y phải là đối tượng đã được Trung ương Hội Đông y Việt Nam cấp giấy chứng nhận lương y chuyên sâu trước ngày 30/6/2004. Trong khi đó, số học viên theo học lớp lương y từ 30/6/2004 cho đến nay chưa được cấp Giấy chứng nhận lương y.
Phóng viên Báo điện tử Dân Việt đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Đình Thục – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Đông y Việt Nam để làm rõ hơn về những khó khăn, bất cập, giải pháp trong việc xin cấp Giấy chứng nhận lương y.
Kể từ khi thành lập Hội Đông y Việt Nam đến nay đã có bao nhiêu hội viên được cấp Giấy phép hành nghề, thưa ông?
Hiện tại, Hội Đông y Việt Nam là Hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, hoạt động theo Quyết định số 118-QĐ/TW ngày 22/8/2023 của Ban Bí thư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương; có tổ chức 4 cấp từ Trung ương đến phường, xã.
Cụ thể có 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước và mạng lưới này được mở rộng đến tất cả các huyện, thị, thành phố và Hội Đông y cấp xã. Hội Đông y cả nước hiện có hơn 70.000 hội viên, trong đó, theo thống kê từ văn phòng Trung ương Hội, có hơn 10.000 phòng chẩn trị, tương ứng với hơn 10.000 hội viên có giấy phép hành nghề.
Tại Điều 1 Thông tư số 02/2024/TT-BYT ngày 12/3/2024 quy định cụ thể về đối tượng được cấp Giấy chứng nhận lương y. Tuy nhiên, đối tượng trong thông tư này lại chưa đưa vào điều chỉnh một số đối tượng công dân Việt Nam từ 18 đến 55 tuổi, những người đã được học lương y từ ngày 30/6/2004 đến nay. Việc này sẽ gây ảnh hưởng như thế nào tới những người có mong muốn hành nghề Đông y thưa ông?
Theo quy định trong Luật Khám chữa bệnh, lương y là thầy thuốc Y học cổ truyền được phép hành nghề khám, chữa bệnh. Về mặt đào tạo hàn lâm, khác với bác sĩ hay y sĩ được đào tạo chính quy trong các cơ sở giáo dục, lương y thường được đào tạo thông qua hệ thống tổ chức Hội Đông y, phối hợp với Sở Y tế và Bệnh viện Y học Cổ truyền để bồi dưỡng và cấp Giấy chứng nhận là lương y.
Thông tư số 29/2015/TT-BYT về việc cấp lại Giấy chứng nhận là lương y đã quy định cụ thể về đối tượng và thẩm quyền cấp giấy chứng nhận lương y. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư số 29/2015/TT-BYT, các hội viên của Hội Đông y Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn khi đi xin cấp Giấy phép hoạt động.
Sau khi tiếp nhận phản ánh của hội viên, chúng tôi đã trao đổi và gửi văn bản đề nghị Bộ Y tế sửa đổi Thông tư 29/2015/TT-BYT để phù hợp hơn với thực trạng hành nghề của các lương y.
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Đình Thục – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Đông y Việt Nam. Ảnh: Dân Việt.
Đến năm 2023, Luật Khám chữa bệnh được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Sau đó, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BYT để triển khai thực hiện luật này. Thực tế, Thông tư 02/2024/TT-BYT là sự gộp lại của ba thông tư riêng biệt liên quan đến Y học cổ truyền gồm:
Sửa đổi Thông tư 29/2015/TT-BYT về việc cấp mới và cấp lại Giấy chứng nhận lương y; Gộp nội dung cấp giấy chứng nhận cho người có bài thuốc gia truyền hoặc phương pháp chữa bệnh gia truyền; Gộp nội dung về phương pháp kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền trong cơ sở khám chữa bệnh.
Trong quá trình xây dựng Thông tư 02/2024/TT-BYT, Bộ Y tế và Ban Soạn thảo đã mời Thường trực Hội Đông y tham gia họp, đóng góp ý kiến và xây dựng dự thảo. Cuối cùng, ba nội dung này được thống nhất gộp lại trong một thông tư duy nhất đó là Thông tư số 02/2024/TT-BYT đã chính thức được ban hành, có hiệu lực.
Về mặt tổ chức hội, chúng tôi đã triển khai Thông tư 02/2024/TT-BYT đến các cấp hội. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai và thực hiện, đã xuất hiện một số vướng mắc liên quan đến việc đề xuất cấp Giấy phép hành nghề cho lương y.
Trong thời gian thực hiện Thông tư số 29/2015/TT-BYT, Cục Y dược Cổ truyền – Bộ Y tế chịu trách nhiệm sát hạch và cấp Giấy chứng nhận lương y cho những người đã hoàn thành khóa học; Sở Y tế các tỉnh, thành phố sát hạch và cấp Giấy chứng nhận cho những đối tượng thuộc thẩm quyền của sở. Tuy nhiên, vướng mắc sau đó là những người học sau ngày 30/6/2004 đến nay chưa được cấp Giấy chứng nhận.
Trung ương Hội Đông y vẫn có chức năng và nhiệm vụ giáo dục, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ, hội viên. Từ năm 1992 đến 2018, chúng tôi đã tổ chức được 32 lớp lương y chuyên sâu, cấp Giấy chứng nhận lương y chuyên sâu và bảng điểm với 10 tín chỉ cho học viên. Nhưng từ năm 2018, theo Thông tư 29/2015/TT-BYT được ban hành có hiệu lực, những người học sau đó không còn đủ điều kiện để được cấp Giấy phép hành nghề. Vì vậy, chúng tôi đã ngừng tổ chức các lớp học lương y chuyên sâu từ thời điểm đó và còn lại một số đối tượng chưa được xét cấp Giấy chứng nhận lương y.
Khi phát sinh vướng mắc, chúng tôi cũng đã trao đổi làm việc với ông Nguyễn Hùng Sơn, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y dược Cổ truyền ở thời điểm đó. Ông Sơn là người chắp bút xây dựng Thông tư 29/2015/TT-BYT và được biết việc vướng thời gian đó là Luật Giáo dục Đào tạo ra đời, quy định chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan đơn vị, những đơn vị nào được phép đào tạo, những đơn vị nào được phép bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Vì vậy mà những đối tượng theo học lớp lương y chuyên sâu từ 30/6/2004 đến nay chưa được sát hạch và cấp giấy chứng nhận là lương y.
Thưa ông, ngoài nhóm học viên được Hội Đông y Việt Nam tổ chức đào tạo các lớp chuyên sâu còn nhóm học viên nào khác không?
Để được cấp Giấy phép hành nghề theo quy định của Bộ Y tế, trước tiên, người hành nghề phải có Giấy chứng nhận lương y. Đây là lý do tại sao những đối tượng này gặp khó khăn trong việc xin cấp Giấy phép hành nghề.
Có hai nhóm đối tượng chưa được cấp Giấy chứng nhận lương y là học viên trong nhóm 32 lớp do Trung ương Hội Đông y Việt Nam tổ chức và nhóm học viên do Hội Đông y của các tỉnh thành phối hợp với Sở Y tế tổ chức các lớp dạy và truyền nghề từ 30/6/2004 trở lại đây.
Hiện tại, sau khi triển khai Thông tư 02/2024/TT-BYT, chúng tôi chưa có số liệu thống kê cụ thể về số lượng đối tượng được hành nghề, số người chưa được cấp Giấy chứng nhận lương y, và số lượng cần được cấp Giấy phép hành nghề.
Tuy nhiên, vừa qua chúng tôi đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố thực hiện thống kê cụ thể. Đồng thời, Trung ương Hội Đông y Việt Nam đã gửi công văn yêu cầu triển khai việc thống kê để tổng hợp số liệu báo cáo cụ thể về Bộ Y tế.
Cam Thảo và Kim Ngân Hoa đang được sử dụng nhiều trong các bài thuốc cổ truyền. Ảnh: Dân Việt.
Ngoài đối tượng dạy để cấp Giấy chứng nhận lương y, trong Thông tư 02/2024/TT-BYT còn có đối tượng là người có bài thuốc gia truyền và người có phương pháp chữa bệnh gia truyền. Và đối tượng này cũng đang đề nghị Bộ Y tế và Sở Y tế cấp Giấy chứng nhận cho họ.
Đến nay, sau khi Thông tư số 02/2024/TT-BYT có hiệu lực, Hội Đông y đã nhận được bao nhiêu ý kiến phản hồi về nội dung nêu trên?
Đến nay đã có khoảng 26/63 Hội Đông y tại các tỉnh, thành phố có ý kiến về một số bất cập trong nội dung của Thông tư 02. Các ý kiến này chủ yếu liên quan đến đối tượng được quy định tại Điều 1 của Thông tư 02, để thuận lợi việc cấp cho họ Giấy phép hành nghề.
Đặc biệt đối tượng là con em lương y, là nhóm đối tượng chưa được học chuyên sâu, muốn được học tập trang bị kiến thức để hành nghề. Họ mong muốn có các chương trình học chuẩn để đáp ứng yêu cầu hành nghề, nhưng hiện tại lại chưa có chuẩn đầu ra hoặc thiếu mã ngành, mã ngạch đào tạo lương y.
Những người học lương y chuyên sâu sau thời điểm năm 2004, dù hoàn thành chương trình học, vẫn không được xét cấp Giấy phép hành nghề. Hiện tại, không có cơ sở đào tạo chính thức nào được phép đào tạo lương y theo chương trình chuẩn. Các trường Đại học, Học viện Y học cổ truyền chỉ đào tạo bác sĩ và y sĩ, không có chương trình dành riêng cho lương y. Trong khi đó, các ngành như bác sĩ hay y sĩ, điều dưỡng đã có mã ngành, mã ngạch rõ ràng để đào tạo tại các trường Đại học và Trung cấp.
Thường trực TW Hội cũng rất muốn Bộ Y tế và Bộ Lao động & Thương binh xã hội có sự tham mưu cho Chính phủ, Bộ Y tế nghiên cứu để có văn bản chính thống chỉ đạo hoặc quy định đơn vị nào được phép đào tạo.
Đề nghị ông cho biết, Hội Đông y Việt Nam đã có những buổi làm việc chính thức với đại diện Bộ y tế để trao đổi, kiến nghị, tháo gỡ về nội dung này chưa?
Chúng tôi đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính Phủ, Thủ tướng đã giao và ủy quyền cho Văn phòng Chính phủ cùng Hội Đông y Việt Nam chủ trì làm việc với các Bộ: Bộ Y tế, Bộ Thương binh Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Giấy chứng nhận tốt nghiệp lớp lương y chuyên sâu do Hội Đông y Việt Nam cấp cho các học viên. Ảnh: N.Đ.
Chúng tôi cũng được mời sang Văn phòng Chính phủ làm việc một buổi với các bộ nói trên. Trong buổi làm việc, nguyện vọng của chúng tôi mong muốn được xây dựng chương trình đào tạo cho lương y, tiếp tục được đào tạo để tạo điều kiện cho lương y hành nghề. Tại buổi làm việc đó, các đồng chí lãnh đạo Văn phòng cũng hết sức quan tâm, ghi nhận ý kiến đề xuất của chúng tôi và báo cáo lại trình lên Thủ tướng để đưa vào chương trình đào tạo đặc biệt. Sau này cơ quan soạn thảo sẽ đưa ra một Nghị định về chương trình này.
Hội Đông y Việt Nam cũng đã có kiến nghị với lãnh đạo Bộ Y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã ủy quyền cho đồng chí Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên sắp xếp mời các vụ, cục chuyên môn có liên quan làm việc với Trung ương Hội Đông y Việt Nam.
Vào tháng 7/2024, Thứ trưởng Bộ Y tế đã có buổi làm việc với chúng tôi. Sau đó, đã kết luận đã giao cho Cục Đào tạo Khoa học Công nghệ, Cục Pháp chế, Cục Y học Cổ truyền tham mưu cho Bộ Y tế về vấn đề xây dựng chương trình đào tạo các quy định về pháp luật, pháp quy đối với công tác đào tạo. Trong buổi làm việc cũng kèm theo đề xuất sửa đổi Thông tư 02 để cho phù hợp với đối tượng hiện nay.
Gần đây nhất, tháng 8/2024, chúng tôi đã mời lãnh đạo Vụ Đào tạo (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) và Vụ Đào tạo Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với Thường trực và Viện Đông y Việt Nam (trực thuộc Hội Đông y Việt Nam) để báo cáo với hai đơn vị trên, nêu giải tháo gỡ những khó khăn liên quan đến công tác đào tạo.
Trân trọng cám ơn ông!
NGUỒN : https://danviet.vn/hoi-dong-y-viet-nam-can-som-sua-doi-thao-go-vuong-mac-trong-cap-giay-chung-nhan-luong-y-20250214142348749.htm?gidzl=iDz4R6WV64snnqTgOWWGIRVDJsjvNqKTgCj9Q2q94aslp4reVryM7AQUG6vpMnzDziuNPJRWzcuGOn0TJm