Nhiều hội viên Hội Đông y Việt Nam học xong lớp lương y chuyên sâu nhưng không được cấp Giấy chứng nhận lương y do vướng mắc bởi các quy định hiện hành.
Được công nhận là lương y, được chính thức hành nghề đông y là mong muốn của nhiều người đang theo học, theo nghề đông y. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều hội viên Hội Đông y Việt Nam có bài thuốc gia truyền, học xong lớp lương y chuyên sâu nhưng đang gặp khó trong việc xin cấp Giấy chứng nhận lương y.
Học viên mòn mỏi chờ được cấp Giấy chứng nhận lương y
Ông Ôn Quốc Khánh (62 tuổi) ở TP.Hưng Yên xuất thân trong một gia đình có truyền thống hành nghề y học cổ truyền. Ông Khánh là đời thứ 8 tiếp tục nối nghiệp bài thuốc gia truyền của cha ông để lại, hằng ngày, ông bốc thuốc, giúp đỡ người bệnh tại địa phương.
Năm 2005, với mong muốn học thêm kiến thức chuyên sâu về y học cổ truyền, ông Khánh đã đăng ký theo học lớp lương y chuyên sâu do Hội Đông y Việt Nam tổ chức tại TP.Hưng Yên.
Bảng điểm của một học viên tham gia lớp lương y chuyên sâu khóa học 2005-2008 do Hội Đông y Việt Nam tổ chức. Ảnh: N.Đ.
Lớp học của ông Khánh có hơn 50 học viên. Các học viên học trong thời gian 3 năm từ năm 2005-2008, với thời gian 3 buổi/1 tuần. Kết thúc khóa học, các học viên được cấp Giấy chứng nhận đã hoàn thành lớp lương y chuyên sâu.
Sau khi học xong, ông Khánh cũng như nhiều học viên khác vui mừng vì đã hoàn thành khóa học, có giấy chứng nhận. Và ông cũng mong muốn Giấy chứng nhận lương y chuyên sâu là tiền đề để làm thủ tục hồ sơ xin cấp phép Giấy chứng nhận lương y, mở phòng khám, buốc thuốc cứu chữa người bệnh.
“Tuy nhiên sau đó, chúng tôi làm hồ sơ thì không được Bộ Y tế xét cấp Giấy chứng nhận lương y bởi vướng một số quy định tại Thông tư số 29/2015/TT-BYT ngày 12/10/2015. Trong đó thông tư có nội dung quy định về đối tượng đề nghị cấp Giấy chứng nhận lương y phải là đối tượng đã được Trung ương Hội Đông y Việt Nam cấp giấy chứng nhận lương y chuyên sâu trước ngày 30/6/2004. Chiếu theo quy định này, chúng tôi không đáp ứng vì học lớp lương chuyên sâu từ năm 2005. Sau đó, hơn 50 học viên lớp chúng tôi gặp nhiều khó khăn, thiệt thòi”, ông Khánh nói.
Ông Khánh kể rằng, sau khi học xong lớp lương y chuyên sâu, một phần vì vướng bận công việc, một phần vì không có thời gian nên ông không thể đăng ký học thêm hệ Trung cấp y sĩ y học cổ truyền.
“Bởi vậy, mà từ đó đến nay, tôi vẫn hành nghề gia truyền, bốc thuốc theo bài thuốc gia truyền tại địa phương, không đủ cơ sở để mở phòng khám. Chúng tôi rất yêu nghề, dành cả cuộc đời cho y học cổ truyền. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng xem xét lại, có những điều chỉnh về một số nội dung trong thông tư để tạo điều kiện cho học viên, người có bài thuốc gia truyền”, ông Khánh chia sẻ.
Tương tự như ông Khánh, ông Nguyễn Đắc Thành (57 tuổi), xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên cũng là học viên của lớp lương y chuyên sâu do Hội Đông y Việt Nam tổ chức khóa 2005-2008.
Ông cũng là người nối nghiệp cha ông, học bài thuốc gia truyền, cứu chữa người bệnh. Năm 2008, sau khi học xong lớp lương y chuyên sâu, ông đã làm thủ tục xin cấp phép Giấy chứng nhận lương y nhưng bị vướng bởi Thông tư số 29/2015/TT-BYT.
“Sau đó tôi về gia đình hành nghề, trợ giúp con trai trong việc bốc thuốc, giúp đỡ người bệnh. Con trai tôi hiện là bác sĩ Đông y, tốt nghiệp Học viện Y dược cổ truyền và đã mở phòng khám riêng”, ông Thành thông tin.
Các học viên sau khi tham gia khóa đào tạo lương y chuyên sâu xong sẽ được Hội Đông y Việt Nam cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp lương y chuyên sâu. Ảnh: N.Đ.
Theo ông Thành, việc không được cấp Giấy chứng nhận lương y đã gây ra một số khó khăn cho học viên. Ngoài việc tốn thời gian, tiền bạc trong 3 năm học, họ không thể mở phòng khám, không thể “danh chính ngôn thuận” bốc thuốc, giúp đỡ người bệnh. Đặc biệt, không thể lan tỏa, giúp đỡ được nhiều người bệnh trên cả nước.
“Theo thông tin tôi được biết, lớp học của chúng tôi có hơn 50 người nhưng chỉ có hơn 10 người có thời gian, điều kiện để đi học tiếp hệ Trung cấp y sĩ y học cổ truyền, được cấp Giấy chứng nhận hành nghề, mở phòng khám. Số học viên còn lại, hiện vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận hành nghề và hiện đang hành nghề tại gia đình, ai nhờ thì họ giúp”, ông Thành thông tin.
Ths/Bs Nguyễn Đình Thục – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Đông y Việt Nam cho hay, có 2 nhóm học viên theo học lớp lương y chuyên sâu, một là nhóm học viên học lớp lương y chuyên sâu do Hội Đông y Việt Nam tổ chức, hai là nhóm học viên theo học lớp lương y chuyên sâu do Hội đông y các tỉnh thành, phố phối hợp với Sở y tế hoặc các Bệnh viện tổ chức, cấp Giấy chứng nhận lớp lương y chuyên sâu.
Hiện tại có hơn 70.000 hội viên thuộc Hội Đông y Việt Nam, trong đó, theo thống kê từ văn phòng, có hơn 10.000 phòng chẩn trị, tương ứng với hơn 10.000 hội viên có giấy phép hành nghề, số còn lại, chưa được cấp giấy phép hành nghề.
Thông tư số 29/2015/TT-BYT về việc cấp lại giấy chứng nhận là lương y đã quy định cụ thể về đối tượng và thẩm quyền cấp giấy chứng nhận lương y. Tuy nhiên, theo ông Thục, trong quá trình triển khai thực hiện, một số nội dung trong thông tư này đã gây khó khăn cho các học viên.
“Chúng tôi đã có những buổi làm việc, trao đổi, gửi văn bản đề nghị Bộ Y tế sửa đổi Thông tư 29/2015/TT-BYT để phù hợp hơn với thực trạng hành nghề của các lương y, học viên nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho họ. Hiện nay, Bộ Y tế đang xem xét các kiến nghị, nội dung nêu trên”, ông Thục thông tin.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa có ý kiến liên quan đến việc đào tạo truyền nghề lương y cho các hội viên thuộc Hội Đông y Việt Nam. Ảnh PV.
Quy định về đối tượng được cấp Giấy chứng nhận lương y trong thông tư chưa phù hợp với thực tế
Trong Khoản 2, Điều 1 Thông tư số 02/2024/TT-BYT ngày 12/3/2024 quy định về cấp giấy chứng nhận lương y, giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại tại cơ sở khám chữa bệnh nêu rõ về đối tượng đề nghị cấp giấy chứng nhận lương y cụ thể như sau:
Đối tượng đã được chuẩn hóa lương y có đủ các chứng chỉ học phần quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Thông tư này trước ngày 30 tháng 6 năm 2004 nhưng chưa được kiểm tra sát hạch;
Được Trung ương Hội Đông y Việt Nam cấp giấy chứng nhận lương y chuyên sâu trước ngày 30 tháng 6 năm 2004;
Đã được Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam bồi dưỡng và được Ban Trị sự Trung ương Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam cấp giấy chứng nhận đạt trình độ y sỹ cấp 2 trở lên (theo phân loại của Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam) trước ngày 30 tháng 6 năm 2004;
Được cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề theo quy định của Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân có phạm vi hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền nhưng không phải là bác sỹ, y sỹ y học cổ truyền và chưa được cấp giấy chứng nhận lương y; Đã tham gia khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền từ đủ 30 năm trở lên;
Đối tượng có kết quả đạt tại kỳ kiểm tra sát hạch theo quy định tại Thông tư số 13/1999/TT-BYT ngày 06 tháng 7 năm 1999 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân thuộc lĩnh vực hành nghề y, dược cổ truyền (sau đây viết tắt là Thông tư số 13/1999/TT-BYT) trước ngày 14 tháng 02 năm 2004 nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận lương y.
Tuy nhiên, theo Hội Đông y Việt Nam, yêu cầu về đối tượng cấp giấy chứng nhận lương y trong Thông tư số 2/2024/TT-BYT không phù hợp với thực tế, các quy định của pháp luật có liên quan.
Bởi lẽ, đối tượng được quy định tại Khoản 1,2,3 và 6 Điều 1 Thông tư số 02 chỉ giải quyết cho các đối tượng, học viên từ ngày 30/6/2004. Trong khi đó, hiện nay số đối tượng này còn lại với số lượng rất ít, đa số họ đã trên 65 tuổi, không có nhu cầu.
Với những học viên chưa được cấp Giấy chứng nhận lương y hiện nay họ thường giúp đỡ người bệnh, bốc thuốc theo bài thuốc gia truyền. Ảnh: N.Đ.
Ngoài ra, đối tượng quy định tại Khoản 4 Điều 1 Thông tư số 02 cũng không nhiều, thậm chí ở nhiều tỉnh thành còn không có đối tượng này. Trong khi đó, mốc thời gian từ năm 2004 đến nay gần như chưa có thêm hội viên hội Đông y Việt Nam nào được cấp Giấy chứng nhận lương y. Đến nay, chỉ có số ít hội viên Hội Đông y Việt Nam có giấy phép hành nghề.
Đối với đối tượng quy định tại Khoản 5 Điều 1 là đã tham gia khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền từ đủ 30 năm trở lên. Các đối tượng này hiện nay cũng còn khá ít hoặc không có nhu cầu do tuổi đã cao.
Còn tại nội dung nêu tại Khoản 6 Điều 1 của Thông tư 02 lại chưa phù hợp với quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15.
Cụ thể, Khoản 4, Điều 86 Luật khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 quy định: Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc cấp Giấy chứng nhận lương y, Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, Giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
Theo Hội Đông y Việt Nam, Thông tư số 02/2024/TT-BYT ngày 12/3/2024 chưa đưa vào điều chỉnh một số đối tượng công dân Việt Nam từ 18 đến 55 tuổi, những người đã được học truyền nghề Đông y từ ngày 30/6/2024 đến năm 2024. Những đối tượng được các tổ chức Hội Đông y bồi dưỡng, giáo dục truyền nghề theo quy định về đào tạo nghề thường xuyên tại Khoản 1, Điều 40 Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Ngoài ra, Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 cũng nêu rõ, lương y là người có hiểu biết về lý luận y dược học cổ truyền, có kinh nghiệm khám bệnh, chữa bệnh bằng phương pháp y dược học cổ truyền có dùng thuốc hoặc không dùng thuốc được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế công nhận sau khi có ý kiến của Hội Đông y Trung ương hoặc Hội Đông y cấp tỉnh.
Trước đó, ngày 10/6/2024, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã có buổi làm việc với Trung ương Hội Đông y Việt Nam, lắng nghe các ý kiến, vướng mắc trong việc thực hiện Thông tư số 02/2024.
Sau khi nghe báo cáo của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền và của Hội Đông y Việt Nam, ông đã có kết luận, chỉ đạo Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền chủ trì phối hợp với Vụ Pháp chế; Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo căn cứ vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư số 02/2024/TT-BYT ngày 12/3/2024 (nếu có) tham mưu cho Bộ Y tế tiến hành sửa đổi, bổ sung nhưng phải bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Hội Đông y là một tổ chức xã hội-nghề nghiệp, có gần 70.000 hội viên là những người hành nghề trong lĩnh vực đông y, đông dược. Hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ phát triển nền Đông y Việt Nam. Công tác quản lý Nhà nước về khám, chữa bệnh bằng y học và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y học cổ truyền được quan tâm và đầu tư. Trong những năm qua, các cấp Hội Đông y được kiện toàn góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Nguồn : https://danviet.vn/nguoi-hanh-nghe-y-hoc-co-truyen-gap-kho-khi-xin-cap-giay-chung-nhan-luong-y-20250214111805225.htm?gidzl=cjpG3prY3noKnTKBDtK67vBErGWiS5XEZis43tyWN4gBpz5QU7O8ID_Ar55xUmmGZiE20M6GYUiWEsGC7W&gidzl=h8jwHhRpFdYjatb0lEGsVAkOUKgdiciZj9v_IVFaF7EpcNj9eR8u8hhBTa-jjZ5pwfiXH3OYJdOFlVmxUW